Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và nhân
dân trên địa bàn huyện đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng
cháy, chữa cháy rừng. Các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng được
triển khai một cách đồng bộ. Các cấp chính quyền địa phương, các đơn
vị chủ rừng đã chủ động thực hiện phương án quản lý, bảo vệ
rừng. Tuy nhiên, hiện nay nắng nóng diện rộng kéo dài, tiềm ẩn cao những
nguy cơ gây ra cháy rừng.
Rừng và mảng xanh là bộ phận không thể thay thế được
của môi trường sinh thái, giữ vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Nó
có chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sống, điều hòa khí hậu, điều tiết
nguồn nước, hạn chế bão lụt, hạn hán, chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất và
quan trọng là duy trì bảo tồn đa dạng sinh học.
Cháy rừng ảnh hưởng toàn diện đến các mặt kinh tế - xã
hội và môi trường, thể hiện chủ yếu như sau:
- Cháy rừng gây chết hàng loạt hoặc làm chậm quá trình
sinh trưởng và phát triển của rừng, ảnh hưởng đến diễn thế của rừng, tái sinh
rừng.
- Gây biến động lớn trong trạng thái rừng, làm biến
đổi các kiểu rừng, từ đó ảnh hưởng đến phương thức khai thác rừng.
- Làm thay đổi số lượng và thành phần sinh vật rừng.
- Ảnh hưởng đến hoạt động sống của Vi sinh vật rừng
trong đất.
- Ảnh hưởng đến tình trạng vệ sinh rừng.
- Phá vỡ cấu tượng đất, gây xói mòn, rửa trôi, bạc màu
làm mất khả năng giữ nước và điều tiết nguồn nước.
- Gây tổn thất nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng đến môi
trường, khí hậu.
Một trong
những nguyên nhân gây cháy rừng là do các hoạt động sản xuất của con người như:
- Đốt rừng làm nương rẫy, đốt than, đốt thực bì để thu
nhặt kim loại, hun khói để lấy mật ong, nhộng ong và nhiều hoạt động khác có
thể gây cháy rừng.
- Do khai thác rừng, vô ý gây cháy…
- Các hoạt động dã ngoại gây cháy rừng.
Trong phòng cháy rừng phải thực hiện triệt để những
yêu cầu mang tính nguyên tắc: không để xảy ra sự kết hợp đồng thời của 3 yếu tố
Ô xy, vật liệu cháy, và nguồn nhiệt gây cháy. Vì vậy để hạn chế thấp nhất và
loại bỏ các nguyên nhân gây cháy rừng, chủ rừng và nhân dân cần :
- Đối với chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân có
trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng theo
quy định của pháp luật dưới sự hướng dẫn của cơ quan Kiểm lâm, Lực lượng Cảnh
sát phòng cháy và chữa cháy.
- Đối với nhân dân: nghiêm cấm các hành vi sau:
1) Đốt lửa, sử dụng lửa
trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, phân khu phòng hộ rất xung
yếu.
2) Đốt lửa, sử dụng lửa ở
các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ vào mùa hanh khô.
3) Đốt lửa, sử dụng lửa
gần kho, bãi gỗ khi có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V.
4) Đốt lửa, sử dụng lửa
để săn bắt động vật rừng, hạ cây rừng và đốt để lấy than ở trong rừng, lấy mật
ong, lấy nhộng ong.
5) Đốt nương, rẫy, đồng
ruộng trái phép ở trong rừng, ven rừng.
6) Các hành vi khác trực
tiếp gây ra nguy cơ cháy rừng.
Khi có sự cố cháy xẩy ra phải nhanh chóng báo
cho chính quyền.
- Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm, nghĩa vụ của
mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
- Chủ động phòng cháy tốt, sẵn sàng chữa cháy kịp
thời, có hiệu quả.
- Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng,
chống giặc lửa. Quyết tâm Phòng cháy tốt, chữa cháy giỏi.