image banner
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 160 năm danh xưng Nho Quan (1862-2022), đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM và Huân chương Lao động hạng Ba (Phần 1)
Phần 1: Khái quát sự ra đời của “Danh xưng Nho Quan” và lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Nho Quan trong các thời kỳ cách mạng

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 160 năm danh xưng Nho Quan (1862-2022), đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM và Huân chương Lao động hạng Ba

-----

                                               

I. Phần 1: Khái quát sự ra đời của “Danh xưng Nho Quan” và lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Nho Quan trong các thời kỳ cách mạng

          1. “Danh xưng Nho Quan” và những lần thay đổi tên gọi của huyện Nho Quan

Nho Quan là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Bình có địa hình rất đa dạng kết hợp hài hòa giữa rừng, núi, sông hồ, diện tích tự nhiên 458,3 km2, trong đó có 3/4 diện tích là đồi núi, dân số trên 152 nghìn người. Là vùng đất giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, giàu truyền thống lịch sử văn hoá. Trải qua lịch sử phát triển lâu dài Nho Quan có nhiều tên gọi khác nhau. Cách đây 160 năm, vào tháng giêng, mùa xuân năm “Nhâm Tuất”, triều Tự Đức năm thứ 15 (1862) phủ Thiên Quan chính thức được đổi thành Phủ Nho Quan - Danh xưng Nho Quan bắt đầu từ đó!

Năm 968 Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân thống nhất giang sơn lên ngôi Hoàng đế, định đô ở Hoa Lư lập nên nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, vùng này thuộc phủ Tràng An. Dưới Triều nhà Lý (1054) gọi là phủ Trường Yên. Đến Triều Trần đổi là “trấn Thiên Quan”, năm Quang Thái thứ 10 (1397) đổi là “phủ Thiên Quan” định lại các phủ, châu, huyện, đặt riêng “phủ Thiên Quan” gồm 3 huyện Phụng Hoá, Yên Hóa và Lạc Thổ (huyện Yên Hóa còn gọi là Ninh Hóa). Thời Lê Sơ gọi là Ninh Hóa, vì kiêng tên của vua Trang Tông (Duy Ninh (1533-1548)) nên từ năm 1533 gọi là Yên Hóa, các triều sau vẫn theo như thế. Đến Triều Tự Đức năm “Nhâm Tuất”, Tự Đức năm thứ 15-1862 đổi thành phủ Nho Quan, vua cho rằng Trời, Đất (thiên, địa) là chữ xưng hô rất cao, rất lớn, các văn thư các tên đất đều phải đổi tránh, để tỏ ra kính cẩn. Duy có “Khâm Thiên giám” và “Thừa Thiên phủ” chuẩn cho để như cũ, tên gọi Nho Quan có từ đó[1]. Đến mùa xuân năm thứ 22 thì đình việc cấm đó.

Năm 1921, ba tổng Đề Cốc, Bất Một, Xích Thổ thuộc huyện Yên Hoá sáp nhập vào huyện Gia Viễn. Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945 điều chỉnh cắt tổng Vân Trình (huyện Gia Viễn) nhập vào huyện Nho Quan[2].

Đầu năm 1953, Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định sáp nhập 5 xã Quang Minh, Phú Thịnh, Bảo Lương, Đoàn Kết và Yên Lương thuộc huyện Nho Quan vào huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình[3].

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, tại Quyết định số 125/CP, ngày 27/4/1977 của Hội đồng Chính Phủ. Ngày 03/5/1977, Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ra Chỉ thị số 01-CT/TU về việc hợp nhất 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan thành huyện Hoàng Long

Tháng 4 năm 1981, do yêu cầu của tình hình mới đòi hỏi phải tăng cường lãnh đạo và quản lý cấp huyện. Huyện Hoàng Long lại được điều chỉnh lại địa giới hành chính, tách thành 2 huyện Hoàng Long và Gia Viễn (theo Quyết định số 151/CP ngày 19/4/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Hoàng Long gồm 26 xã, 1 thị trấn như ngày nay).

Ngày 23 tháng 11 năm 1993 đổi tên huyện Hoàng Long trở lại tên cũ là huyện Nho Quan (theo Nghị định số 88/NĐ-CP của Chính phủ)[4].

2. Đặc điểm địa hình và các giai đoạn đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện Nho Quan

Nho Quan hiện nay nằm ở vùng rừng núi tiếp giáp với tỉnh Hoà Bình và Thanh Hoá, có đường quốc lộ 12B từ Hoà Bình đi qua thị trấn Nho Quan, gặp Quốc lộ 1 (ngã ba ghềnh) tại Tam Điệp; Quốc lộ 45 từ Rịa (Phú lộc) đi qua Phú Long đến Sòng Cạn (Thạch Thành, Thanh Hoá); đường tỉnh lộ 477 từ thị trấn Nho Quan qua Gia Viễn gặp Quốc lộ 1 tại Gián Khẩu; đường 479 từ ngã ba Gia Tường đi Chi Nê (Hoà Bình); Quốc lộ 38B (đường Nguyễn Văn Trỗi) từ ngã ba Quỳnh Lưu gặp đường số 1 tại Cầu huyện (Hoa Lư); đường chiến lược (mở ra trong kháng chiến chống Mỹ) từ ngã ba Gia Lâm qua Thạch Bình, Đồng Phong, đi Cúc Phương. Nho Quan có sông Lạng chảy từ Chiêm Hoá (Hoà Bình) qua địa phận các xã Thạch Bình, Phú Sơn và Thị trấn Nho Quan gặp sông Bôi tại kênh Gà (huyện Gia Viễn); Sông Ỷ Na từ Hoà Bình qua Gia Lâm gặp sông Bôi tại Canh Bầu (Gia Thuỷ); Sông Bến Đang từ Quỳnh Lưu qua Sơn Hà xuống Yên Sơn (Tam Điệp).

Từ thị trấn Nho Quan có thể đi Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Hà Nam, Hoà Bình, Hà Nội... bằng nhiều đường giao thông thuỷ bộ thuận tiện. Xa xưa, cũng như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nho Quan là nơi hậu cứ, cất dấu quân lương và là điểm xuất phát tiến công quân thù.

Theo viện khảo cổ học, Nho Quan xuất hiện cuộc sống của con người cách đây khoảng 7000 năm. Tại động Người xưa, thuộc Vườn Quốc Gia Cúc Phương từ di chỉ khảo cổ đã tìm thấy những di tích văn hoá thuộc sơ kỳ đồ đá mới, đó là những công cụ bằng đá thô sơ, có hình rìu và búa đá; những vỏ sò, vỏ hến đã hoá thạch cùng với những ngôi mộ chôn ở cửa hang với tư thế người nằm nghiêng. Dọc theo các sườn đồi từ xã Thạch Bình tới xã Văn Phú nhân dân đã nhặt được nhiều rìu đá thuộc sơ kỳ đồ đá.

Trên địa bàn huyện phát hiện được 4 trống đồng ở xã Yên Quang, Gia Tường, Thạch Bình, Văn Phương. Cùng với những tên làng cổ còn để lại ngày nay như: các làng Sầy, Cối, Láo, Ráy, Bái, Ác, Giơ, Chủ, Chạ,... có thể khẳng định rằng: vùng đất Nho Quan đã có người sinh sống rất sớm. Từ trong rừng núi và hang động con người đã xuống các vùng lân cận lập làng, lập ấp làm ăn sinh sống và tồn tại cho đến ngày nay[5].

Dân số Nho Quan đến nay có trên 152 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là: 23.980 khẩu, chiếm 16,3% dân số, tập trung chủ yếu ở 8 xã: Thạch Bình, Cúc Phương, Văn Phương, Yên Quang, Quảng Lạc, Kỳ Phú, Phú Long, Xích Thổ. Dân tộc Kinh sống thành quần thể làng xã nằm ở vùng chiên trũng và hai bên các trục đường giao thông thuỷ bộ. Dân tộc Mường sống thành những quần thể làng bản nằm sâu trong vùng rừng đồi núi. Còn lại là các dân tộc khác di cư đến.

17% số dân Nho Quan theo đạo Công giáo, sống rải rác ở 14 xã trong huyện. Người Kinh, Mường, lương, giáo tuy có khác nhau về ngôn ngữ, phong tục, nhưng từ sớm đã hoà vào nhau tạo thành một khối đoàn kết thống nhất. Qua những bút tích, sắc phong, thần phả,... còn giữ ở làng bản, thôn, xóm đã nói lên vùng đất này từ xưa con người đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để chống thiên tai địch hoạ, bảo vệ cuộc sống. Tình yêu thương, sự đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo được xem như là đạo nghĩa cao cả trong mối quan hệ xã hội ở Nho Quan xưa và nay.

Nho Quan là vùng đất thường xuyên xảy ra thiên tai. Ngay từ buổi bình minh cuộc sống, thiên nhiên đã đặt ra cho nhân dân như một thử thách, nắng mưa, bão, lụt, úng, hạn... đe dọa cuộc sống của con người. Nắm được đặc điểm đó, trong quá trình lao động, con người Nho Quan tìm nhiều cách để chống đỡ, đoàn kết giúp nhau tìm địa điểm phù hợp để quần tụ, xây dựng bản làng. Trong quá trình đó nhân dân đã kiên trì tìm tòi các biện pháp như đắp đê, trồng cây, xây dựng các công trình phục vụ cho sản xuất, chọn giống cây trồng và con nuôi thích hợp để duy trì và phát triển đời sống ngày một ấm no tươi đẹp hơn.

Trong tiến trình lịch sử xây dựng quê hương, nhân dân ở nhiều nơi về vùng đất Nho Quan tiến hành khai hoang, khai phá đồi núi để trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng làng bản mới. Nhờ vậy, đất Nho Quan được mở mang, dân số ngày càng phát triển, khả năng chống chọi với thiên nhiên và các thế lực khác ngày càng mạnh mẽ, cuộc sống ngày thêm yên vui đầm ấm. Với khả năng lao động và tiếp thu vận dụng kỹ thuật vào sản xuất, con người Nho Quan đã biến đất đồi núi, trung du, đồng chiêm trũng thành những cách đồng lúa, khoai, sắn, ngô, lạc, vừng, mía, dứa,...bốn mùa xanh tươi. Có được thành quả đó là kết quả lao động cần cù sáng tạo của nhiều thế hệ dày công chinh phục và cải tạo thiên nhiên của con người Nho Quan.

Trải qua quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã bao lần nhất tề khởi nghĩa đánh đuổi giặc xâm lược bảo vệ giang sơn, đống góp sức người, sức của xây dựng bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc. Sống trong lòng dân tộc, nhân dân Nho Quan ở thời điểm nào, chặng đường lịch sử nào trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng có những đóng góp xứng đáng với lịch sử, với vị trí của mảnh đất và con người Nho Quan.

Đầu thế kỷ thứ X, sau khi Ngô Quyền mất, trong nước có loạn 12 sứ quân, Nho Quan có 2 tướng Lê Du và Lê Chương cùng với Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn góp phần thống nhất giang sơn về một mối, lập nên nước Đại Cồ Việt. Nhà Đinh đóng đô ở Hoa Lư, Nho Quan là địa bàn quan trọng, nơi tiếp ứng lương thảo và là nơi canh phòng bảo vệ vững chắc kinh đô Hoa Lư[6].

Năm 1285 khi quân Nguyên - Mông tiến công hậu cứ Nhà Trần ở Hoa lư, Nhà Trần rút lui qua đường Sơn Lai, Sơn Hà vào Thanh Hoá, nhân dân các xã quanh vùng chặt cây, làm đường để Nhà Trần lui quân chờ cơ hội chống giặc.

Năm 1414 quân Minh sang xâm lược nước ta, chúng gây ra cuộc chiến tranh vô cùng tàn bạo, làm cho cuộc sống nhân dân điêu đứng lầm than. Cuối năm 1423 được nhân dân huyện Khôi (Yên Lạc, Thiên Quan) giúp đỡ, chỉ trong một trận, nghĩa quân Lam Sơn đã giết được 1.100 tên địch và 100 ngựa. Tướng Lê Minh phải đền tội.

Trong chiến dịch đại phá 20 vạn quân Thanh đầu năm 1789 của Nguyễn Huệ, sau khi tập kết ở Tam Điệp, một đạo quân tiến qua đất Nho Quan được nhân dân góp lương thực, thực phẩm và nhiều trai tráng  gia nhập đạo quân. Từ năm 1816 đến năm 1844, nhân dân Nho Quan đứng lên theo Lê Duy Lương chống triều đình nhà Nguyễn (Thiệu Trị). Khu hoạt động đầu tiên của nghĩa quân ở Thạch Bì (Thạch Bình) nghĩa quân chia làm 3 đạo đánh chiếm thị xã Ninh Bình, chiếm đèo Ba Dội (Tam Điệp).

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng. Nam Định có đốc học Phạm Văn Nghị lãnh đạo đoàn nghĩa dũng gồm 400 người kéo vào Huế, xin Vua Tự Đức cho được đánh giặc, cứu nước. Cùng với đoàn nghĩa dũng, huyện Nho Quan có ông Lã Xuân Oai, Bát Thanh và một số nhân binh tham gia đội quân này. Tới Huế, triều đình chiếu chỉ cho đội quân giải tán về quê làm ăn. Ông Lã Xuân Oai cùng một số người của nghĩa dũng về Nho Quan chiêu dân lập làng, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ chống giặc Pháp xâm lược.

Ngày 27/3/1883, thực dân Pháp chiếm Nam Định. Ngày 29/10/1883, chúng đánh chiếm Ninh Bình. Chiến đấu chống Pháp trong giai đoạn này ở Nho Quan có đội quân của Nguyễn Xuân Giá (ông sinh năm 1840 quê ở làng Lỗ Xá nay là xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) tuyển mộ nghĩa sỹ ở vùng Ý Yên và Ninh Bình, tổ chức lực lượng chống Pháp. Nghĩa quân lấy vùng Đề Cốc làm căn cứ để hoạt động. Trong căn cứ có cả đội quân của Hiệp Đề (quê ở Đề Cốc) cùng hiệp lực. Đặc biệt, sau khi điểm Hòa An bị chiếm, Đinh Công Tráng cũng kéo quân về vùng Đề Cốc chung sức với nghĩa quân chiến đấu. Ở vùng Gia Thuỷ ngày nay còn lưu truyền câu ca dao:

                Lãnh Tràng, Cai Giá, Hiệp Đề

                Năm trăm binh lính kéo về bình Tây

Núi Đề Cốc là trung tâm tập hợp, xây dựng lực lượng khởi nghĩa. Từ đây nghĩa quân mở rộng hoạt động ra nhiều nơi thuộc huyện Gia Viễn và tổ chức được một số trận đánh thực dân Pháp.

Từ năm 1883 đến năm 1896, nhân dân miền núi Nho Quan cùng với Đốc Tâm (Lang Mường) ở tỉnh Hòa Bình chống Pháp. Trong một trận phục kích giết chết tên Pô-Rê là sỹ quan quân đội Pháp.

Ngày 7/01/1915, nhân dân Nho Quan dưới sự lãnh đạo của Tạ Quang Hổ, Quách Chánh đã đánh chiếm đồn Pháp ở Nho Quan.

Từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 19, triều đình nhà Nguyễn bộc lộ những mâu thuẫn cơ bản, thể hiện sự suy yếu của chế độ phong kiến, thực dân Pháp lợi dụng và thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam. Từ đây, lịch sử của dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ đen tối, cuộc sống lầm than cơ cực. Tại Nho Quan, thực dân Pháp có cả một hệ thống cai trị khắc nghiệt vừa đàn áp vừa mị dân. Chúng dùng chính sách "chia để trị", tăng thuế, tô tức, thu phen tạp dịch, tăng các hủ tục, lệ làng. Chính sách cai trị hà khắc của thực dân, phong kiến đã đẩy Nhân dân vào đường cùng, không lối thoát. Mâu thuẫn giữa Nhân dân trong vùng với thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến ngày càng sâu sắc. Nhiều cuộc khởi nghĩa giai đoạn này đã diễn ra, tuy nhiên chưa giành được thắng lợi.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin, tháng 9/1927, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên được thành lập tại làng Lũ Phong, tổng Quỳnh Lưu do đồng chí Lương Văn Thăng, người con quê hương Nho Quan làm Bí thư. Từ chi bộ đầu tiên ở Lũ Phong, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát triển ra nhiều nơi trong huyện và tỉnh. Ngày 24 tháng 6 năm 1929, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, do đồng chí Lương Văn Thăng làm Bí thư - đó là chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Nho Quan bước vào một cao trào cách mạng mới, điển hình là cuộc đấu tranh đòi hoãn thuế, khất thuế năm 1931, phong trào phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân năm 1945 cùng các phong trào đòi dân sinh, dân chủ,.... Trong giai đoạn 1941 - 1945, nhân dân trong huyện hăng hái tham gia các tổ chức cứu quốc, Việt Minh, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lực lượng, sắm sửa vũ khí, trấn áp bọn phản cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám lịch sử[7].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với phong trào nổi dậy giành chính quyền ở các địa phương khác, ngày 20/8/1945 nhân dân Nho Quan đã đứng lên lật đổ chính quyền tay sai phản động, tuyên bố Nho Quan hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử phát triển của huyện Nho Quan.

Vinh dự cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Nho Quan, ngày 10 tháng 02 năm 1947, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Canh nông mở hội nghị điền chủ tại nhà ông Quách Đình Hy, thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong, bàn về việc tổ chức vận động các chủ đồn điền và nhân dân giúp đỡ, ủng hộ đồng bào tản cư, giúp đỡ quốc gia kháng chiến, vận động đồng bào giáo dân không di cư vào Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dự hội nghị.

Từ năm 1947 đến năm 1954 trong gần 7 năm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân huyện Nho Quan đã đánh 37 trận, giết 352 tên địch, thu 400 súng các loại, Ngoài ra, quân và dân Nho Quan còn phối hợp với các đơn vị bộ đội trong chiến dịch Quang Trung, diệt, bắt, gọi hàng được 1800 tên địch, thu 1.354 súng các loại, phá hủy 23 xe quân sự và thu hàng trăm tấn chiến lợi phẩm.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng bộ và nhân dâ huyện Nho Quan được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 2.475 Huân chương, huy chương các loại, 4760 bằng khen, 18 thôn, xóm được tặng Bằng có công với nước, 165 gia đình được công nhận là cơ sở cách mạng; 223 cán bộ được công nhận là Lão thành cách mạng[8].

 Năm 1954 miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân Nho Quan bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, ra sức xây dựng hậu phương vững chắc, anh dũng chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi. Với tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” quân và dân Nho Quan phối hợp với lực lượng phòng không chủ lực, bắn rơi 19 máy bay Mỹ. Dân quân xã Lạng Phong với 18 viên đạn súng bộ binh bắn hạ 01 máy bay Mỹ và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Hai. Toàn huyện có 25.000 lượt thanh niên đã tham gia quân đội, hàng vạn người tham gia thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến bảo vệ Tổ quốc; huy động được 656.000 tấn lương thực, 375.900 tấn thực phẩm; cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước[9].

Trong các cuộc kháng chiến, đã có 2809 người con ưu tú của quê hương Nho Quan đã anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi xuân cho đất nước. Hơn 3 nghìn thương bệnh binh đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường.

Với những thành tích đóng góp trên, Đảng bộ và Nhân dân huyện Nho Quan đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 12 Huân chương Độc lập; 4.318 Huân chương Chiến công; 252 Huân chương Quân kỳ quyết thắng; 21.344 Huân chương Chiến sỹ vẻ vang và 6.868 Huân chương, Huy chương kháng chiến, 26 lần huyện được Quân khu III, tỉnh tặng cờ thi đua.     

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đảng bộ và Nhân dân huyện Nho Quan đã nỗ lực phấn đấu góp phần vào công cuộc đổi mới của cả nước.

Suốt chặng đường lịch sử, với những ưu thế về nhân lực, vật lực, với vị trí thuận lợi cả trong phòng ngự, bảo toàn lực lượng cũng như phát động tiến công chiến lược, Nho Quan đã trở thành vùng đất có vị trí trọng yếu, then chốt trong thế trận quân sự của đất nước và trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm Nho Quan là nơi để lại những dấu ấn đậm nét của mảnh đất cổ của tỉnh Ninh Bình. Từ tên gọi, vị trí, địa lý, lịch sử, văn hoá đến các di tích, danh thắng đều khẳng định nguyên giá trị miền đất cổ, lâu đời ấy. Nơi đây còn có khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu với nhiều địa danh ở xã Quỳnh Lưu và các xã lân cận đã được Nhà nước công nhân là Di tịch lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia, vùng ATK (an toàn khu) là cái nôi của phong trào cách mạng Ninh Bình, góp phần hội tụ, hình thành và tỏa sáng nhiều giá trị nhân văn của dân tộc.

 

(Còn nữa)



[1] Nho Quan miền đất cổ, trang 10, 11,12, 13, xuất bản năm 2010.

[2] Lịch sử Đảng bộ huyện Nho Quan (1930-2000), trang 10, xuất bản năm 2005.

[3] Lịch sử Đảng bộ huyện Nho Quan (1930-2000), trang 10, xuất bản năm 2005.

 

[4] Lịch sử Đảng bộ huyện Nho Quan (1930-2000), trang 11, xuất bản năm 2005.

[5] Lịch sử Đảng bộ huyện Nho Quan (1930-2000), trang 12, 13, xuất bản năm 2005.

[6] Nho Quan miền đất cổ, trang 26, xuất bản năm 2010.

 

[7] Tài liệu Tuyên truyền Khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu, xuất bản năm 2021.

[8] Nho Quan miền đất cổ, trang 44, xuất bản năm 2010.

[9] Lịch sử Đảng bộ huyện Nho Quan, giai đoạn 1930 – 2000.

  • Từ khóa :

BẢN ĐỒ XÃ THẠCH BÌNH

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Bản quyền thuộc UBND xã Thạch Bình Huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình

Chịu trách nhiệm:

Địa chỉ: Xã VThạch Bình - Huyện Nho Quan - Tỉnh Ninh Bình

Điện thoại:

Email:  ubndxathachbinh.nq@ninhbinh.gov.vn

Địa chỉ ipv6: 2001:ee0:305:a::301