Phần III
VAI TRÒ KHU CĂN CỨ CÁCH
MẠNG QUỲNH LƯU
TRONG GIAI ĐOẠN 1939 -
1945
I. “Quỳnh Lưu” - Khu căn
cứ Cách mạng quan trọng của Ninh Bình - Trung tâm của Chiến khu Quang Trung
Trong quá trình xây dựng
và tổ chức lực lượng cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền
về tay Nhân dân, Đảng ta rất coi trọng nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Chủ trương đúng đắn, sáng tạo đó được thể hiện qua các Nghị quyết hội nghị
Trung ương lần thứ 6, 7, 8 và được thực hiện ở khắp các vùng trong cả nước với
mức độ ngày càng khẩn trương, mạnh mẽ.
Tháng 9 năm 1939, chiến
tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, chính phủ bình dân Pháp bị lật đổ, chính
quyền phát xít lên thay thế. Chúng thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở nước
ta. Trước tình hình mới, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11 năm 1939) đã
đưa ra chủ trương: “Nhiệm vụ chính của Đảng trong tổ chức quần chúng là thành
lập những hội bí mật như: Công hội, Nông hội, Phản đế hội,…” (). Ở tỉnh ta cũng
như ở Quỳnh Lưu, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, một số cơ sở Đảng, cơ
sở quần chúng bị địch phá, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng bị bắt. Tuy
một bộ phận lực lượng đã chuyển hướng kịp thời, rút vào hoạt động bí mật, tiếp
tục lãnh đạo phong trào đấu tranh, nhưng phong trào thời kỳ này nhìn chung yếu
ớt, có lúc mất liên lạc với cấp trên.
Đầu năm 1940, đồng chí Vũ
Khế Bật() từ Nam Định về chắp mối ở các làng Quỳnh Lưu, Lũ Phong, Sưa, Hữu
Thường,… do đó, phong trào cách mạng ở Quỳnh Lưu được nối lại và được sự chỉ
đạo của Đảng cấp trên.
Cuối năm 1940, đồng chí
Lương Văn Đài (tức Văn, tức Cửu) quê ở Thái Bình được Liên tỉnh C (Ninh Bình,
Thái Bình, Nam Định, Hà Nam) cử về phụ trách phong trào cách mạng ở Ninh Bình.
Đồng chí đã đi sâu vào các làng có cơ sở, nhanh chóng thành lập các đoàn thể
Thanh niên phản đế, Nông dân phản đế, Phụ nữ phản đế.
Các đội tự vệ bí mật được
thành lập ở nhiều làng: Sưa, Sải, Hội, Đồi, Lũ Phong,... Sau khi được Xứ ủy
tăng cường thêm cán bộ, tháng 4 năm 1941, cán bộ phụ trách phong trào cách mạng
ở Ninh Bình đã tổ chức thành Chi bộ Đảng ở Quỳnh Lưu với 5 đảng viên(). Chi bộ
có trách nhiệm với phong trào cách mạng trong tỉnh và đã phát huy vai trò hạt
nhân của mình.
Dưới ánh sáng của Nghị
quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 6/1941), sự lãnh đạo trực tiếp của
Tỉnh ủy, các Chi bộ Đảng vùng Quỳnh Lưu lãnh đạo Nhân dân trong huyện hăng hái
tham gia các tổ chức cứu quốc Việt Minh, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lực
lượng, sắm sửa vũ khí, trấn áp bọn phản cách mạng, tiến hành công tác chuẩn bị
khởi nghĩa và xây dựng “Khu căn cứ Cách mạng” với mức độ ngày càng khẩn trương,
mạnh mẽ.
Đầu tháng 7/1941, các
đồng chí phụ trách phong trào cách mạng ở Ninh Bình đã triệu tập hội nghị cán
bộ ở thôn Hội (Quỳnh Lưu) có hơn 30 đại biểu của các cơ sở cách mạng trong tỉnh
tham dự. Hội nghị đã nghiên cứu Điều lệ Việt Minh, thư của đồng chí Nguyễn Ái
Quốc kêu gọi Nhân dân đoàn kết cứu nước, đồng thời bàn kế hoạch phát triển
phong trào Việt Minh ra toàn tỉnh. Sau hội nghị, ở vùng Quỳnh Lưu các tổ chức
quần chúng: Hội nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu vong được
củng cố và phát triển. Nhiều hội nghị để phổ biến nghị quyết, nhiều cuộc mít
tinh bí mật được tổ chức khắp vùng đã tập hợp được đông đảo hội viên gồm nhiều
thành phần, mọi lứa tuổi, mọi giới ở khắp các thôn, xóm vùng Quỳnh Lưu. Những nơi
như Xuân Quế, Sầy, Lạm,… trước đây chưa có tổ chức phản đế nay cũng thành lập
được các đoàn thể cứu quốc.
Tháng 9 năm 1941, Chiến
khu Ngọc Trạo (Thanh Hóa) được thành lập, Trung ương chỉ thị cho Đảng bộ Ninh
Bình cử người tham gia. Sau thời gian liên lạc, Ninh Bình đã cử 08 người vào
tham gia xây dựng Chiến khu, gồm các đồng chí: Lương Văn Đuyềnh, Nguyễn Văn
Mạo, Phan Văn Kình, Phan Văn Hộ, Nguyễn Văn Tuần, Mai Văn Tuyển, Vũ Văn Tý
(Luận) người Quỳnh Lưu và đồng chí Quàng (người xã Ngọc Động, huyện Gia Viễn)
lúc đó đang tham gia cách mạng ở Quỳnh Lưu. Tháng 10/1941, Chiến khu Ngọc Trạo
bị đế quốc khủng bố, đàn áp, trận chiến đấu ác liệt đã xảy ra. Do tổ chức của
ta còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm nên Chiến khu đã bị vỡ, Quỳnh Lưu có 03 người
bị bắt trong chiến khu (đồng chí Tuần, Kình, Quàng).
Trong quá trình xây dựng
Khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ
trang giành chính quyền, xây dựng lực lượng tự vệ là một công việc đặc biệt
được chú ý với mức độ ngày càng khẩn trương. Cùng với quá trình phát triển của
các cơ sở Đảng và các đoàn thể Việt Minh, các đội tự vệ ở vùng Quỳnh Lưu ngày
càng lớn mạnh trên cơ sở phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Để làm
nòng cốt cho phong trào luyện tập quân sự, xây dựng lực lượng tự vệ, đầu năm
1943, Liên tỉnh ủy C đã chủ trương mở lớp huấn luyện quân sự tại Đồng Báng (Sơn
Lai) do đồng chí Trần Tử Bình (Phú)() phụ trách. Đây là lớp quân sự tập trung
đầu tiên, học viên chủ yếu là cán bộ liên tỉnh Khu C. Tỉnh Ninh Bình có 12 người(),
riêng xã Quỳnh Lưu có 05 người tham gia. Lực lượng tự vệ do đồng chí Trần Tử
Bình trực tiếp huấn luyện, phát triển, chiến đấu trải qua nhiều sóng gió trong
những lần khủng bố khốc liệt của kẻ thù đã dần dần lớn mạnh làm nòng cốt cho
các cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp, xây dựng, củng cố khu căn cứ địa và là
tiền thân của Đội cứu quốc quân Chiến khu Quang Trung, tạo điều kiện tiến lên
vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 3 năm 1944 tại cuộc
mít tinh kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khởi nghĩa Bắc Sơn tại chân Núi Thờ
(làng Hữu Thường, xã Thượng Hòa), đồng chí Đinh Văn Mưu cán bộ Việt Minh đã
công bố quyết định thành lập Tiểu khu căn cứ Cách mạng Sơn Cao thuộc Khu căn cứ
Cách mạng Quỳnh Lưu.
Thực hiện chủ trương của
Đảng, đầu năm 1945, tại nhà ông Lương Văn Đưởng thôn Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu,
hội nghị gồm các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình đã họp
thành lập chiến khu Hòa - Ninh - Thanh().
Ngày 20/5/1945, đồng chí
Văn Tiến Dũng thay mặt Ủy ban quân sự Bắc Kỳ và đồng chí Trần Tử Bình đại diện
Xứ ủy cùng các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các ủy viên phụ trách quân sự các
tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình đã họp ở thôn Sầy bàn việc củng cố Chiến
khu Hòa - Ninh - Thanh, đổi tên là Chiến khu Quang Trung,() thành lập ban lãnh đạo
Chiến khu gồm 5 người do đồng chí Trần Tử Bình làm Bí thư. Hội nghị quyết định
lấy Quỳnh Lưu làm căn cứ trung tâm hoạt động, là nơi đặt cơ quan lãnh đạo của
Chiến khu Quang Trung. Quyết định này một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò
của căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc
của Nhân dân trong khu vực, trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
(Nguồn: FB Hừng đông Nho Quan)