TĐKT - Vượt qua khó khăn, xã miền núi Thạch Bình
(Nho Quan, Ninh Bình) đang phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả
các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, tích cực triển khai phong
trào xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí
NTM vào tháng 7/2021.
Ông Vũ Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho
biết: Thạch Bình có địa bàn rộng, dân cư thưa, cơ sở hạ tầng chưa hoàn
thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, bởi vậy khi bắt tay vào xây dựng NTM xã
đã gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã đã
tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
và người dân trong xã.
Trong xây dựng NTM, Thạch Bình xác định, việc cải
tạo hạ tầng, phát triển giao thông, thủy lợi là tiêu chí khó của địa
phương. Với tổng số chiều dài đường giao thông thôn, xóm trên 90 km, đến
tháng 4/2021, xã mới chỉ bê tông hóa được trên 40 km. Tuy nhiên với sự
vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng lòng của nhân
dân, Thạch Bình quyết tâm huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành mục
tiêu kiến cố hóa hệ thống theo kế hoạch đề ra.
Cũng theo ông Dũng, năm 2021, Thạch Bình tiếp tục
đề nghị UBND huyện, UBND tỉnh ủng hộ thêm 2.000 tấn xi măng để nâng cấp
giao thông nông thôn.
Để có thể thu hút được sự hưởng ứng, tham gia của
bà con, xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà
con nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào xây dựng
NTM, xây dựng quê hương. Trong đó, đường là tiêu chí quan trọng trong
phát triển kinh tế. Bởi vậy, bà con đã tích cực ủng hộ.
Hiện tại trên các trục đường liên thôn, liên xóm,
người dân đang tích cực ra quân làm đường giao thông nông thôn. Ngoài sự
hỗ trợ xi măng của nhà nước, bình quân mỗi nhân khẩu đã đóng góp hàng
triệu đồng cùng những ngày công lao động để mở rộng, kiên cố hóa những
con đường.
Thạch Bình đang triển khai bê-tông hóa đường giao thông
Tiêu biểu như thôn Vệ Đình hiện chính quyền và
nhân dân thôn đang tích cực xây dựng đường liên thôn với tổng chiều dài
khoảng 4 km. Ông Bùi Văn Cầm, thôn Vệ Đình cho biết: Trước đây con đường
nhỏ, hẹp, không thuận tiện cho giao thông. Đến nay đường được cứng hóa,
mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất và lưu thông hàng
hóa. Có con đường bà con rất vui mừng.
Hay như tuyến đường dọc thôn Đồi Ngọc tuy chiều
dài chỉ hơn 600 m nhưng trong khu vực chỉ có 5 hộ gia đình sinh sống. Do
đó để hoàn thành được con đường này, bình quân mỗi hộ dân đóng góp 22
triệu đồng, gia đình đóng nhiều nhất là 42 triệu đồng.
“Đây là số tiền lớn đối với mỗi gia đình ở nông
thôn, xong họ vẫn tự nguyện đóng góp, nâng cấp tuyến đường để việc đi
lại thuận lợi hơn.”- ông Dũng chia sẻ.
Chị Bùi Thị Thân, một trong những người dân trên
tuyến đường này cho biết: 5 hộ dân ở đây chúng tôi chủ yếu đều trồng cây
keo. Trước đây con đường này là đường đất, việc vận chuyển rất vất vả,
cứ phải gom từng ít một rồi mang ra ngoài mới xe mới chở đi được. Từ khi
có tuyến đường này, xe có thể đi vào tận nhà, không cần phải vận chuyển
ít một ra ngoài nữa. Chúng tôi đều rất phấn khởi.
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng giao thông, xã
cũng đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Hiện tại các thôn
đang nỗ lực huy động nguồn lực xây dựng nhà văn hóa thôn đạt chuẩn NTM.
Bà Bùi Thị Lụa, trưởng thôn Đồi Ngọc chia sẻ: “Nhà
văn hóa thôn trước cũ rất bé, chỉ khoảng 30 – 40 người ngồi họp là kín
chỗ và đã xuống cấp. Bởi vậy chúng tôi đã cùng họp bàn với dân xây dựng
nhà văn hóa mới. Thôn được xã hỗ trợ 250 triệu, tỉnh và huyện hỗ trợ 90
triệu. Còn lại bà con đóng góp mỗi một khẩu 400 nghìn đồng. Ngoài ra, bà
con tích cực đóng góp ngày công, hiện nhà văn hóa đang trong giai đoạn
hoàn thành.”
Một nội dung quan trọng khác mà Thạch Bình thực
hiện khi triển khai xây dựng NTM là phát triển kinh tế, nâng cao thu
nhập cho người dân. Xã đã tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ
của nhà nước để đầu tư giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đồng thời, đẩy
mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật
nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao
khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả.
Chị Bùi Thị Duyên, xã Thạch Bình chia sẻ: Sau khi
được học các lớp tập huấn do xã phối hợp tổ chức, tôi được biết đến mô
hình trồng cây nấm sò. Với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông trong trong
giai đoạn đầu, đến nay gia đình tôi đã 3 năm làm nghề trồng nấm. Với mô
hình này bình quân 1 năm gia đình tôi quay vòng 2 vụ được khoảng 4 vạn
rưỡi phôi, giá trị dao động từ 10 - 11 nghìn đồng/bịch, trừ chi phí thu
lãi 40 - 50 triệu/tạ bịch.
Theo đánh giá của ông Dũng, để đạt được những kết
quả tích cực trên, một trong những giải pháp quan trọng mà xã đã triển
khai là phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “Dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” gắn với việc bảo
đảm yêu cầu công khai, minh bạch, dân chủ trong xây dựng NTM.
Tính đến tháng 4/2021, Thạch Bình đã hoàn thành
17/19 tiêu chí, còn 2 tiêu chí là cơ sở vật chất văn hóa và đường giao
thông. Hiện tại xã đang rà soát, đánh giá hiện trạng từng chỉ tiêu, tiêu
chí, trên cơ sở đó kịp thời có những giải pháp khắc phục, đồng thời
tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động tốt mọi nguồn lực để xây dựng
NTM.
Có thể nói, để đạt được thành quả như ngày hôm nay
là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng của đảng bộ, chính quyền và sự
chung sức, đồng lòng của nhân dân xã Thạch Bình trong suốt thời gian
qua. Với sự quyết tâm ấy, tin rằng, xã sẽ cán đích NTM theo đúng lộ
trình đề ra.